Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
Đoàn trường Đại học Công nghiệp TP.HCM
Mỗi ngày một tin tốt
chudenamhoc_new
"Bà tiên" của nhiều sinh viên IUH
13-03-2018   1524 views  

Bạn đã từng bị rơi đồ hay để quên đồ? Và bạn có từng hy vọng sẽ có người nhặt được trả lại mình? Người phụ nữ ấy đã không dưới mười lần nhặt được của rơi trả người bị mất. Với một sinh viên, ví tiền - điện thoại là thứ tài sản vô cùng giá trị, nên các bạn cứ hay cảm ơn và gọi cô là "cô tiên" hiện ra giúp đỡ các bạn. Đôi khi, trong cuộc sống vội vã như vậy, một câu chuyện nhỏ ấm áp tình người cũng đủ làm cho lòng ta dâng trào cảm xúc. Mỗi ngày một thông điệp về tình yêu thương, lòng tốt bụng sẽ khiến ta cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Hôm nay, câu chuyện nhỏ ấm lòng mà Ban Truyền Thông Hội Sinh viên muốn gửi đến các bạn sẽ là về một cô lao công, con người thầm lặng mà chân chất và thật thà – cô Phan Thị Sáu - Nhân viên phòng dịch vụ trường ĐH Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh

 

  Chúng tôi gặp cô vào một chiều êm dịu, tiếng gió hiu hiu thổi nhẹ lên những tán lá xanh hao mỏng manh, tiếng trò chuyện, bước chân của những bạn sinh viên và … cả tiếng đẩy xe, quét lá xào xạc của cô Sáu. Thân hình nhỏ bé của cô toát lên một nét gì đó tảo tần và có đôi chút vất vả, chúng tôi đến bắt chuyện và hỏi thăm cô một vài điều thường nhật trong cuộc sống. Hóa ra, cô đã gắn bó với ngôi trường này 12 năm liền, một khoảng thời gian khá dài với nghề quét dọn vệ sinh. Cô Sáu kể lại cho chúng tôi nghe những kỷ niệm mà cô gặp khi đang làm việc.

                                               Cô Phan Thị Sáu

PV: Cô ơi! Cô có thể chia sẻ những kỷ niệm hay những sự kiện đặc biệt đã diễn ra trong quá trình cô làm việc ở trường mình không cô?

Cô Sáu: Kỷ niệm thì cũng không nhiều, nhưng cô nhớ có một em tên là T, hình như là bên khoa Tài chính – Ngân hàng  hay sao ấy? Thì bữa đó, cô nhặt được cái bóp của em đó là bốn triệu sáu chưa kể tiền lẻ. Thì … cô nhặt xong rồi cô cũng cứ kẹp nách rồi cô đi làm việc, thế thì à … 12 giờ mấy thì … bạn ấy lên, bạn thấy cô, bạn ôm choàng lấy, mừng rỡ nói: “Trời ơi! Cô ơi, thế là con không mất tiền rồi, một tháng lương làm thêm của con đó cô!”. Thế xong rồi bạn ấy nói là: “Cô! Hay con trích năm, sáu trăm cho cô nhé!”. Xong cô bảo: “Ôi trời! Nếu mà cô lấy phần trăm thì cô đã không để bóp ở đây cho con rồi!”. Cô nói thế rồi bạn ấy cứ hôn rồi bạn thơm, bạn cảm động lắm!

PV: Dạ, vậy bên cạnh việc đó thì cô còn có thêm lần nào nhặt được bóp của ai đánh rơi nữa không cô?

Cô Sáu: Có một lần là … cô nhặt được sáu mươi mốt triệu năm trăm của em đó là em làm ở ngoài rồi thì đi nhận tiền chuyển hàng của công ty để quên trên V12 thì cô có liên hệ em đó xuống phòng dịch vụ để bàn giao lại cho em đó.

PV: Dạ, vậy thì cô có nhớ là cô đã nhặt được khoảng bao nhiêu lần không cô?

Cô Sáu: Nói chung là cô nhặt điện thoại với bóp một năm khoảng ba, bốn chục cái!

PV: Dạ, vậy thì làm cách nào cô liên hệ với những bạn đó để trả lại ạ?

Cô Sáu: Mới đầu á, là cô không có điện thoại chụp hình nên chỉ có thể đem đồ nhặt được xuống phòng dịch vụ bàn giao lại thôi, còn nữa là xong sau đó thì cô giữ nửa tiếng thì có bạn chạy lên xin lại thì cô trả cho các bạn í! Sau này thì có điện thoại thì cô chụp cô “bốt” (post) lên mạng của trường mình để nhắn các bạn mất đồ lên gặp cô nhận lại.

PV: Cô cho con hỏi là vì lý do hay động lực nào đó mà cô trả lại cho các bạn ạ?

Cô Sáu: Nói chung thì cũng chẳng có lý do gì cả, cô thì cũng chỉ nghĩ đơn giản là các con là như con của cô thôi! Đi học thì bố mẹ làm ra tiền rất vất vả cũng rất khó khăn mà mấy bạn lỡ mất cái điện thoại hai, ba triệu là cả một vấn đề cho nên là cô cứ nghĩ là cô làm được việc tốt thì cô vui thôi chứ không nghĩ một vấn đề gì cả. Nếu mà cô mà tham lam thì không có những chuyện cô trả hàng chục chiếc điện thoại hay bóp tiền như thế này.

PV: Dạ, vậy thì qua những lần mà cô trả bóp, ví, điện thoại lại cho các bạn thì cảm xúc của cô như thế nào ạ?

Cô Sáu: Nói chung là, cái cảm xúc của cô là cô thấy vui có nghĩa là mình làm được việc tốt là mình vui. À! Thế là có nhiều khi thấy chúng nó để điện thoại trong bàn, mình mới bảo: “Các con ơi! Các con cất giùm cô đi, cẩn thận giùm cô, đừng để trong ngăn bàn kẻo lại quên đấy!”. Nói chung là cứ dặn dò, gặp đứa nào cũng dặn dò là thế!

PV: Dạ, con cảm ơn cô vì đã dành chút thời gian trò chuyện và chia sẻ cho tụi con nghe những kỷ niệm trong quá trình làm việc của cô. Chúc cô luôn mạnh khỏe và có nhiều niềm vui trong cuộc sống, trong công việc của cô!

  Chia tay cô Sáu, chúng tôi lại có thêm nhiều điều thú vị và trải nghiệm nhỏ trong cuộc sống bận rộn này. Đôi lúc, nhiều đứa trẻ nhỏ hay thậm chí là sinh viên chúng ta khi nhìn thấy bố mẹ mình làm những công việc như lái xe, bảo vệ, lao công hay quét rác thì đều có cảm giác xấu hổ và xa lánh bố mẹ mình. Nhưng, nghề nghiệp nào cũng cao quý, có những giám đốc hay giáo viên trí thức thì cũng có những người hốt rác, lao công hay bảo vệ luôn lặng lẽ quan sát và làm việc trong âm thầm. Họ âm thầm trả lại đồ mất, âm thầm bảo vệ tài sản của nhà trường, những điều đó còn đáng quý và đáng trân trọng gấp ngàn lần so với những thứ hào nhoáng bên ngoài xã hội. Cuộc sống sẽ vội vàng trôi, điều quan trọng là mỗi ngày, chúng ta học được những gì từ thế giới đó. Hôm nay, chúng ta học được sự ấm áp từ tấm lòng của một cô lao công, hôm sau, chúng ta sẽ bắt đầu một ngày mới với những điều mới mẻ và tuyệt vời hơn.

Biên tập: Hiền Trâm

*Một số từ và tên riêng trong bài đã được thay đổi để phù hợp với văn cảnh.

Đơn vị liên kết
 Hỗ trợ trực tuyến